TRANG SINH HOẠT
chuyên phóng sự về các sinh hoạt Cộng Đồng của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại nói chung và tại Nam Úc nói riêng


 

CUỘC SỐNG CUỐI ĐỜI CỦA
NHỮNG BIỆT ĐỘNG SAIGON..


Tác giả: Kiều Tấn
Thể loại: Sinh Hoạt

Lời tác giả: Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến ý thức hệ giữa hai chủ nghĩa Tư Bản và Cộng Sản. Thay vì sau khi chia đôi đất nước ra hai miền, như: Nam và Bắc Hàn, Đông và Tây Đức... và mạnh ai nấy phát triển đất nước theo chủ thuyết của mình. Nhưng cộng sản Bắc Việt, được Tàu Cộng hậu thuẩn, dựng lên một tổ chức chánh trị có tên là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, với mục đích “giải phóng” miền Nam khỏi ách thống trị của thực dân mới đế quốc Mỹ...
    Với chủ thuyết cộng sản ngụy trang những mỹ từ: Giàu nghèo như nhau, không có cảnh người bóc lột người, công bằng bác ái sống trong thế giới đại đồng.... Và chủ thuyết nầy đã chiêu dụ được những người trí thức của miền Nam bỏ cuộc sống giàu sang phú quí, bỏ thành thị vào bưng biền đi theo Kháng Chiến chống Mỹ-Ngụy cứu nước ! Trong số thành phần tham gia cách mạng, có những người nhận nhiệm vụ làm gián điệp cho MTGPMN với danh xưng nghe qua rất nhà nghề: Biệt Động Saigon.
    Hôm nay, nhân ngày 27/01/1973, ngày ký kết hiệp định paris lập lại hòa bình cho VN.  Nhưng cs Bắc Việt ký hiệp định hòa bình giả tạođ chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng vào Nam với mục đích mở chiến dịch Mùa Xuân tấn công và cưỡng chiếm Miền Nam.... Diễn Đàn Nông Gia giới thiệu đến độc giả hai nhân vật gián điệp tầm cở để cho quí độc giả nhận định về hai chữ nhân quả của con người. Hai điệp viên nầy đều có cuối đời giống nhau là sống trong niềm hối hận không nguôi. Tất cả đều nhận ra mình đã bị lừa dối, đã bị lầm lạc hy sinh cho một thứ không có thật… Đã có những năm tháng họ lầm tưởng rằng mình chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng, vì lòng yêu nước….! Đó là: Nữ điệp viên Đặng Hoàng Ánh và nam điệp viên Phan Trung Kiên.


1./ Đặng Hoàng Ánh, tức Phạm Ngọc Diệp:
     Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, tôi chỉ sơ lược qua thân thế của bà Phạm Hoàng Ánh bí danh Phạm Ngọc Diệp như sau:
- Bà Ánh gốc họ Nguyễn với tên tộc là quận chúa Nguyễn Phúc Ngọc Diệp . Thời Trịnh - Nguyễn, tổ tiên bà bị tội tru di, đã trốn vào Gò Công lập nghiệp, đổi ra họ Phạm. Cụ nội bà sinh ra bà Phạm Ngọc Lan được tuyển vào làm phi, rồi do sinh ra hoàng tử Hồng Nhậm về sau làm vua Tự Đức nên sau đó được phong làm Thái hậu Từ Dũ. Vì vua Tự Đức không có con nên đã xin phép Thái hậu cho tìm cách bắt cóc vợ của Phạm Đăng Lãm (em ruột cụ Phạm Đăng Chất-thân sinh bà Diệp) là Hoàng Thị Cúc khi ấy đã có thai vào cung, lấy làm phi. Về sau, con của cụ Hoàng Thị Cúc đã là vua Bảo Đại thì cụ được phong là Từ Cung. Bà kể rằng, năm 1955 khi bà đang học Y khoa tại Paris, cựu hoàng Bảo Đại có tìm gặp bà để cho biết Đức bà Từ Cung vẫn cho người tìm đứa cháu mồ côi ba Diệp và thông báo về khoản thừa kế mà ba Diệp sẽ được hưởng: “Mạ nói: Răng chừ nước mất nhà tan, còn gia tộc phải tìm Hoàng phái, hỉ.” Nhưng bà đã từ chối. Khoản tiền thừa kế có thể vẫn sinh lời ở nhà băng Thuỵ Sỹ hay cựu hoàng đã tiêu vào việc gì, cho đến nay bà vẫn không biết chắc.
     Bà Diệp sang Pháp học là do thi được học bổng của chính quyền Bảo Đại, khi chính quyền bị lật đổ, học bổng không còn. Bà đã vừa học vừa làm, thậm chí cả bưng bê rửa bát tại một nhà hàng; sau khi gặp Bảo Đại và được cựu hoàng tài trợ học hết chương trình đào tạo bác sĩ. Cựu hoàng cũng đã mua vé máy bay cho bà, cùng Nam phương Hoàng hậu tiễn bà ra sân bay về nước.
     Về nước, được tổ chức giao nhiệm vụ phải được vào làm tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Qua người cậu ruột là bác sĩ Trương Gia Quế (là anh em thúc bá, chung cụ cố nội với nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng) là người chuyên chăm sóc sức khoẻ cho cụ bà Phạm Thị Thân, mẹ Ngô Đình Diệm. Khi bác sĩ Quế đưa Diệp đến nhờ vả, cụ đã cho gọi Ngô Đình Diệm vào, bảo phải lo việc cho Diệp. Ngô Đình Diệm gọi ngay cho Tổng trưởng Y tế Trần Đình Đệ uỷ thác việc thân mẫu giao, lại còn cấp cho Diệp một khẩu súng ngắn, giấy phép ghi: “Cho phép Docteur mé décine Léna Phạm (tức cô Phạm Ngọc Diệp) được quyền cầm súng bảo vệ thân thể khi gặp những người sàm sỡ đối với mình và trừng trị bọn đàn ông đểu cáng.”
     Nhờ khẩu súng với lời lẽ trong giấy phép khá đặc biệt, Diệp đã trắng án trong vụ bắn chết tỉnh trưởng Vĩnh Long “yêu râu xanh” Khưu Văn Ba. Chuyện như sau: Tổ chức giao cho Diệp trừ khử tên Khưu Văn Ba khét tiếng ác ôn và bạo dâm. Trong vai một người đẹp đi xin việc, chờ cho Ba sấn đến sàm sỡ và cởi phăng hết cả quần áo, Diệp đã bắn y ở cự ly rất gần rồi chính cô đi báo cảnh sát rằng súng đã cướp cò trong khi cô vật lộn với y để tự vệ, “tôi đã vô tình bắn chết ông ta.” Họ là người của ta, đã lập biên bản rồi chuyển hồ sơ sang toà án. Với chứng cớ rõ ràng, cô không những trắng án mà toà án còn buộc gia đình Khưu Văn Ba đền cho cô một đồng bạc danh dự, trị giá 367 triệu đồng tiền bấy giờ.
       Diệp được vào làm ở Bệnh viện Đô Thành, được cấp một xe ô tô con và ngôi biệt thự số 34, Trần Cao Vân, quận Nhất. Trước khi du học, Diệp đã có người cầu hôn. Đó là Trần Văn Phước, tỉnh trưởng Vĩnh Long, cũng là người “thân tín” của Ngô Đình Thục. Nhưng khi Diệp về nước, không biết Phước đã bị điều chuyển đi đâu. Giữa lúc ấy thì tổ chức giao cho cô phải kết hôn với GS bác sĩ Đào Tuấn Kiệt. Đó là một người đứng tuổi, một danh gia vọng tộc và có khuynh hướng thân Cộng. Diệp kết hôn với ông vừa có vỏ bọc chắc chắn vừa tranh thủ khuynh hướng chính trị của ông. Quả nhiên, sau này GS Đào Tuấn Kiệt đã giúp cho lực lượng giải phóng rất nhiều thuốc men và dụng cụ y tế. Diệp đã buộc phải đồng ý và đám cưới của họ diễn ra vào ngày 29/8/1959 với sự có mặt của LS Nguyễn Hữu Thọ, nhưng hai người vẫn ngủ riêng phòng; chỉ khi hai người đi hưởng tuần trăng mật ở Nhật Bản, chồng cô nói nếu bị bẽ, ông sẽ nhẩy lầu cô mới đồng ý động phòng. Con gái Đào Kim Chi của họ đã được sinh ra như vậy....(ngưng trích).
     Với cái vỏ bọc kiên cố bao che thân phận người điệp viên, bà Ngọc Diệp đã tạo thành tích sau cùng là đánh bom thành công tòa đại sứ Mỹ ở Saigon ngày 29/6/1965.
2./ Phan Trung Kiên:
          Phan Trung Kiên, sinh năm 1946, tại huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định, nay là thành phố Hồ Chí Minh. Ông mồ côi cha mẹ từ rất sớm. Lúc mới 10 tuổi ông đã tham gia du kích, rồi tham gia biệt động Saigon. Biệt động Phan Trung Kiên đã tạo nhiều thành tích trong công tác phá hoại đặt chất nổ các căn cứ của VNCH ở Saigon-Gia Định. Cuộc đời quân nghiệp của Kiên thăng tiến rất nhanh như sau:
Năm 1979, ông là trung đoàn trưởng trung đoàn Gia Định.
Năm 1985, ông là sư đoàn trưởng Sư đoàn 317
Năm 1990, ông là phó tham mưu trưởng quân khu 7
Năm 1995, ông là Chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự Thành phố Hồ Chí Minh; quân hàm thiếu tướng.
Năm 1998, ông là Tư lệnh quân khu 7; quân hàm trung tướng.
Tháng 8 năm 1998, được sự ủng hộ cao, ông tham gia tái thành lập trường Thiếu Sinh Quân Thành phố Hồ Chí Minh (tiền thân là trường Thiếu Sinh Quân Lê Văn Tám). Và chính thức khai giảng khoá học đầu tiên với hai lớp học (lớp 10 và lớp 11).
Năm 2002, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; quân hàm thượng tướng. Ông kiêm nhiệm chức trưởng ban chỉ đạo hội thảo của Bộ Quốc phòng.
     Ông được nhà nước tặng thưởng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978 vì những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ và làm nhiệm bảo vệ biên giới tây nam tổ quốc...
2./ Nhân quả dành cho hai Biệt Động Saigon:
    Rất nhiều chiến sĩ tình báo của MTGPMN lừng lẫy một thời, nay nếu gặp lại sẽ bắt gặp ở họ chỉ có những giọt nước mắt lăn dài… Người thì đang sống trong tủi nhục, nghèo đói, người may mắn hơn có chức vụ cao trong chế độ mới, song cũng phải sống trong tâm trạng khắc khoải, phẫn uất, hối tiếc…
      Trường hợp Thượng Tướng Phan Trung Kiên, người đội trưởng Biệt động Sài gòn lừng lẫy năm xưa đã từng được phong tặng danh hiệu anh hùng. Cuộc đời đi theo cách mạng đã đưa ông lên được đến lon Thượng Tướng. Vậy mà ngay khi vừa về nghỉ hưu chưa được mấy tháng ông đã phải nằm bất động bởi cơn nhồi máu cơ tim do thầy trò Nguyễn Văn Hưởng gây ra, bởi đơn giản ông đã nhiều lần lớn tiếng vạch mặt chỉ tên tham nhũng, bởi ông không còn dấu nổi sự hối tiếc để rồi thốt ra miệng không phải chỉ một lần, rằng: “Nếu biết thế này thì trước đây không đủ sức để làm cách mạng”. Bây giờ, Phan Trung Kiên ngồi trên xe lăn mà hối hận cho cuộc đời làm cách mạng của ông!!!
     Trường hợp nữ tình báo Đặng Hoàng Ánh, tức Phạm Ngọc Diệp: Một Bác sĩ nổi tiếng tốt nghiệp Sorbone, khi làm gián điệp  đã lập thành tích kinh hoàng ngày 29/6/1965, đánh sập Tòa Đại sứ Hoa Kỳ! Vậy mà số phận của bà những năm cuối đời đến chính giới truyền thông lề Đảng hôm nay đã phải đau đớn viết: “ Cả cuộc đời hy sinh, cống hiến cho cách mạng, cuối đời bà phải sống nương tựa vào người con tật nguyền của một nữ đồng đội mà bà hứa nhận nuôi. Để có cái ăn, bà phải tự tay lao động âm thầm ở một bản làng vùng sâu của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng”..
   Nhìn vào cuộc sống cuối đời của hai biệt động Saigon, chúng ta không thể phủ nhận thuyết Nhân Quả đến với con người mà tuổi xuân gây ra tội ác, dù với kẻ thù!
     Bởi vậy, trong cuộc sống, luật nào con người cũng có thể lách né. Nhưng Luật Nhân Quả, con người khó mà lọt qua được.
     Phàm người đừng nên gieo nhân ác để rồi nhận lấy quả đắng khi cuối đời!
    Kiều Tấn.
    Adelaide, 27/01/2022

Kỷ niệm ngày ký hiệp định Paris 27/01/1973